BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ VẬN ĐỘNG, TUYÊN TRUYỀN, HƯỚNG DẪN NGƯỜI DÂN SỬ DỤNG ỨNG DỤNG VNEID; KÍCH HOẠT TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ VÀ THỰC HIỆN CÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TRÊN ĐỊA BÀN XÔ
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ
VẬN ĐỘNG, TUYÊN TRUYỀN, HƯỚNG DẪN NGƯỜI DÂN SỬ DỤNG ỨNG DỤNG VNEID; KÍCH HOẠT TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ VÀ THỰC HIỆN CÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TRÊN ĐỊA BÀN XÔ
Kính thưa: Toàn thể nhân dân trên địa bàn xã
Những ngày gần đây các trang mạng liên tục nhắc đến tài khoản định danh điện tử. Vậy định danh điện tử là gì? Tài khoản định danh điện tử là gì?
Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, sử dụng để đăng nhập vào ứng dụng VNeID. Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ:
Mức độ 1: Công dân thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID.
Đối với công dân Việt Nam, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin công dân kê khai đã được đối sánh tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với người nước ngoài, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin người nước ngoài kê khai đã được đối sánh tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Mức độ 2: Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an để làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Đối với công dân Việt Nam, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin công dân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân.
Đối với người nước ngoài, tài khoản định danh điện tử được tạo lập trong trường hợp thông tin người nước ngoài kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Nếu được cấp phê duyệt tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ nhận được tin nhắn SMS có nội dung: “Cuc Canh sat QLHC ve TTXH thong bao: Ho so dang ky tai khoan dinh danh dien tu của ong/ba NGUYEN VAN A da duoc phe duyet. De nghi truy cap ung dung VNeID hoac dia chi https://vneid.gov.vn de kich hoat tai khoan”. Sau khi nhận được tin nhắn, đề nghị công dân tiến hành kích hoạt tài khoản theo hướng dẫn.
2. Lợi ích của việc đăng kí, sử dụng tài khoản định danh điện tử
2.1. Tài khoản định danh điện tử mức 1, công dân hưởng tiện ích gì?
Công dân có thể thực hiện một số tính năng cơ bản như: Thực hiện các dịch vụ công trực tuyến: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú…
2.2. Tài khoản định danh điện tử mức 2, công dân hưởng tiện ích gì?
Công dân có thể thực hiện tất cả tính năng, tiện ích do ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp: Tích hợp hiển thị các giấy tờ tùy thân, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…
- Hiện tại ứng dụng VNeID cho phép tích hợp và hiển thị các thông tin giấy tờ cá nhân: Căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
2.3. Người dân đã cài ứng dụng VNeID rồi có phải mang theo các giấy tờ đã tích hợp trên app nữa không?
- Ứng dụng VNeID được biết đến như một ví điện tử giúp tích hợp và hiển thị các giấy tờ cá nhân, hướng tới thay thế giấy tờ vật lý. Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày 01/01/2023. Ứng dụng VNeID được biết đến là một trong các phương thức chứng minh thông tin công dân thay thế cho sổ hộ khẩu.
Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm y tế vào tài khoản định danh điện tử của công dân để tạo tiện ích cho công dân trong quá trình khám chữa bệnh.
- Hiện nay Bộ Công an đang phối hợp cùng Cục hàng không Việt Nam và các đơn vị vị liên quan triển khai ứng dụng xác thực tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 2 đối với hành khách tại các cảng hàng không đối với chuyến bay nội địa.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành hướng tới ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong mọi mặt đời sống xã hội: sử dụng thông tin giấy phép lái xe, đăng ký xe trong tham gia giao thông; sử dụng thông tin thẻ CCCD trong các giao dịch tại ngân hàng…đồng thời phát triển thêm các tính năng, tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.
2.4. Khi mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia, người dân cần làm gì?
Người dân cần lưu ý tuyệt đối không chia sẻ các thông tin đăng nhập và sử dụng tài khoản định danh điện tử, bao gồm: mã số định danh cá nhân, mật khẩu đăng nhập, passcode, mã OTP trên điện thoại cho bất kì ai.
Trong trường hợp mất thiết bị đang đăng nhập tài khoản định danh điện tử, nếu công dân có thiết bị mới hỗ trợ NFC để đăng nhập.
Công dân thực hiện đăng nhập trên thiết bị mới bằng cách sử dụng tính năng quét NFC đối với thẻ căn cước công dân. Sau khi đăng nhập thành công, công dân vào phần quản lý thiết bị và ấn hủy liên kết với thiết bị cũ.
Trường hợp không có thiết bị mới hoặc thiết bị mới không hỗ trợ tính năng quét NFC để đăng nhập, công dân có thể liên hệ tổng đài 1900.0368 hoặc ra cơ quan công an để yêu cầu khóa tài khoản.
2.5. Hạn sử dụng của tài khoản định danh điện tử là bao nhiêu?
- Định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ CCCD gắn chip. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp CCCD gắp chíp điện tử.
Khi thẻ CCCD gắp chíp hết hạn, ứng dụng gửi thông báo tới tài khoản của công dân đề nghị làm thủ tục cấp đổi thẻ mới. Sau 30 ngày, nếu công dân không thực hiện thủ tục đổi thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa đến khi công dân được cấp thẻ CCCD mới.
2.6. Khi muốn sử dụng tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, phải làm gì?
- Khi tài khoản định danh điện tử của công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thực đảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.
Ngoài ra, công dân có thể đến cơ quan công an cac cấp nơi gần nhất để được hỗ trợ đổi thiết bị đăng nhập, đổi số điện thoại nhận thông báo tài khoản định danh điện tử.
3. Cách thức đăng kí tài khoản định danh điện tử
3.1. Yêu cầu
- Công dân cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip còn thời gian hiệu lực. Nếu công dân mất thẻ CCCD gắn chip hoặc quá hạn thẻ thì có thể thực hiện thủ tục Đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp CCCD gắn chip tại Cơ quan công an hoặc địa điểm tổ chức lưu động tại các xã, thị trấn. Đối với trường hợp đăng kí tài khoản định danh điện tử khi đề nghị cấp thẻ CCCD gắn chip lần đầu, công dân cần đem theo các giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD cũ,
(nếu có).
- Công dân cần chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ mà công dân muốn đăng ký tích hợp vào tài khoản Định danh điện tử để cung cấp cho cơ quan Công an.
3.2. Các bước thực hiện
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên ứng dụng VNeID
Bước 1: Tải app VNeID về thiết bị di động
Đối với iphone Bạn truy cập vào ứng dụng AppStore để tải app về miễn phí; Đối với thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android tải app VNeID trên ứng dụng Google Play hoặc CH Play.
Bước 2: Đăng ký tài khoản định danh điện tử
Mở ứng dụng VNeID đã được cài đặt trên thiết bị di động, sau đó chọn mục “Đăng ký” ở góc phải phía dưới màn hình.
Sau đó, thực hiện nhập các thông tin đăng ký để tiếp tục bao gồm:
- Số định danh cá nhân: là số thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc bạn có thể tham khảo cách tra cứu mã định danh cá nhân Tại đây
- Số điện thoại: sẽ dùng để nhận thông tin đăng ký và mã OTP xác thực.
Sau khi điền thông tin đăng ký bạn nhấn chọn “Đăng ký” để hoàn tất
Bước 3: Quét mã QR và kiểm tra lại thông tin
Hệ thống gửi yêu cầu truy cập camera và quét mã QR trên thẻ căn cước công dân.
Sau khi quét CCCD, hệ thống sẽ hiển thị các thông tin đăng ký tài khoản bao gồm: Số định danh cá nhân, SĐT, Họ và tên, Giới tính, Ngày tháng năm sinh, Nơi thường trú, Địa chỉ hiện tại (Số nhà, phố, tổ dân phố…)
Bạn hãy xác nhận lại thông tin, sau đó tích chọn vào mục "tôi đồng ý với điều khoản sử dụng ứng dụng và dịch vụ" sau đó nhấn “Đăng ký”.
Bước 4: Nhập mã OTP để thiết lập mật khẩu
Sau khi kiểm tra chính xác thông tin và đăng ký, hệ thống sẽ gửi mã OTP qua tin nhắn SMS trên điện thoại (đã đăng ký ở trên) để kích hoạt đăng ký thành công. Nhập mã xác thực vào app để thiết lập mật khẩu.
Thiết lập mật khẩu tài khoản VNeID
Nhập mã xác thực OTP và thiết lập mật khẩu.
Lưu ý: Mật khẩu đăng nhập app định danh điện tử VNeID phải từ 8 - 20 ký tự, bao gồm cả số, chữ Hoa, chữ thường và có ít nhất 1 ký tự đặc biệt. Ví dụ: BHXHdientueBH@2022
Bước 5: Đăng ký tài khoản định danh điện tử
Đăng nhập bằng mật khẩu vừa nhập, chọn “Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 (thực hiện trực tuyến)”.
Bước 6: Sử dụng tính năng NFC
Sau khi đọc hướng dẫn các bước “Đăng ký tài khoản mức 1”. Bạn nhấn chọn “Bắt đầu”để sử dụng tính năng NFC.
Giải thích thuật ngữ: NFC là công nghệ kết nối trường gần, cho phép giao tiếp tầm ngắn giữa các thiết bị tương thích với nhau. NFC cần ít nhất một thiết bị truyền (Ví dụ: thẻ CCCD gắn chip điện tử) và một thiết bị khác để nhận tín hiệu (Ví dụ: điện thoại di động).
Lưu ý khi sử dụng NFC: Bật tính năng NFC trong phần cài đặt của điện thoại (thiết bị nhận tín hiệu), xác định vị trí đặt thẻ CCCD gắn chíp.
Cụ thể: Đặt phần chip trên thẻ căn cước tại vị trí chính giữa phía trên của mặt sau khu vực gần Camera của điện thoại. Khi ứng dụng thông báo đang đọc thông tin từ chíp bạn cần giữ nguyên thẻ CCCD và điện thoại cho tới khi có thông báo đọc thông tin thành công.
Nếu đã thực hiện theo như hướng dẫn mà ứng dụng không hiển thị thông báo đang đọc thông tin thì cần di chuyển chận thẻ CCCD từ trên xuống dưới dọc theo chiều dài của thiết bị điện thoại.
Bạn nhấn chọn "tôi đã hiểu" để sử dụng tính năng NFC
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
Để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, cần đến trực tiếp cơ quan Công an khi đã có căn cước công dân gắn chip, hoặc làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Thông báo với Cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Khai báo thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, Email. Nếu có nhu cầu tích hợp thông tin về người phụ thuộc vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử thì có thể cung cấp thêm thông tin.
Ngoài ra, nếu muốn tích hợp thông tin về: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, BHXH, BHYT trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia. Công dân lưu ý mang các giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Công dân làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip điện tử bao gồm các thông tin nhân thân cùng thông tin sinh trắc.
Bước 3: Cán bộ xử lý hồ sơ cấp/đổi/cấp lại CCCD gắn chip theo quy trình.
Bước 4: Công dân thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin và ký xác nhận trên phiếu đăng ký, phiếu thu nhận thông tin CCCD.
2. Kích hoạt định danh điện tử mức độ 2
Khi nhận được tin nhắn đến điện thoại từ VNeID có nội dung như hình bên dưới công dân vào đường link: https://vneid.gov.vn hoặc thực hiện theo:
Bước 1: Vào ứng dụng CH Play đối với điện thoại hệ điều hành Android (App Store đối với điện thoại hệ điều hành IOS) và nhập từ khóa VNeID - Tải về.
Bước 2: Mở ứng dụng vừa cài đặt chọn Kích hoạt tài khoản ĐDĐT.
Bước 3: Nhập số định danh cá nhân (là số CCCD, trường hợp chưa nhận được CCCD có thể đến công an phường/ thành phố/… để lấy thông tin) và số điện thoại (là số đã đăng ký trên công an khi đăng ký tài khoản định danh), nhấn Gửi yêu cầu.
Bước 4: Một mã OTP được gửi về qua tin nhắn điện thoại, nhập mã này để xác thực.
Bước 5: Đến bước thiết lập Mật khẩu. Nhập mật khẩu theo ý muốn tại ô Mật khẩu và xác nhận lại mật khẩu, rồi nhấn nút Xác nhận.
Bước 6: Tiếp đó, đến bước thiết lập passcode. Mã passcode là một loại mã bảo mật, được sử dụng để xác thực khi bạn sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng VNeID. Mã passcode được quy định gồm 6 ký tự số từ 0 đến 9.
Bước 7: Cuối cùng đến bước thiết lập các câu hỏi bảo mật. Câu hỏi bảo mật được sử dụng trong một số trường hợp để xác minh danh tính của bạn. Hãy chọn lần lượt từng câu hỏi theo ý thích và điền câu trả lời. Lưu ý: phải ghi nhớ câu trả lời tương ứng với mỗi câu hỏi để có thể sử dụng trong các trường hợp cần thiết theo yêu cầu bảo mật của ứng dụng. Nhấn Xác nhận để hoàn tất. Một Thông báo xuất hiện, khi bạn kích hoạt thiết bị thành công.
Bước 8: Từ đây, công dân có thể đăng nhập vào ứng dụng để trải nghiệm các chức năng, tính năng, cũng như các dịch vụ của ứng dụng VNeID.
Lưu ý: Công dân có thể vào Tích hợp thông tin trên App VNeID để tự tích hợp thêm các loại giấy tờ khác khi App cập nhật thêm tính năng.
3. Kích hoạt qua Wed:
Bước 1: Công dân sử dụng máy vi tính có kết nối mạng internet truy cập vào trang https://vneid.gov.vn.
Bước 2: Chọn mục "Kích hoạt tài khoản" và điền thông tin số định danh cá nhân và số điện thoại đã đăng ký tài khoản định danh điện tử, sau đó chọn "Gửi yêu cầu".
Bước 3: Nhập mã OTP mà VNeID đã gửi về số điện thoại đã đăng ký.
Bước 4: Sau khi mã OTP được xác thực đúng thì sẽ đến bước thiết lập mật khẩu, mã passcode và câu hỏi bảo mật, trong đó:
- Mật khẩu được yêu cầu với 8 đến 20 ký tự (bao gồm chữ số, chữ viết hoa, chữ viết thường, ký tự đặc biệt).
- Mã passcode là một loại mã bảo mật, được sử dụng để xác thực khi bạn sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng VNeID. Mã passcode được quy định gồm 6 ký tự số từ 0 đến 9.
- Câu hỏi bảo mật được sử dụng trong một số trường hợp để xác minh danh tính của bạn. Bạn hãy chọn lần lượt từng câu hỏi và điền câu trả lời, đồng thời ghi nhớ câu trả lời tương ứng với mỗi câu hỏi để có thể sử dụng trong các trường hợp cần thiết theo yêu cầu bảo mật của ứng dụng. Thông báo xuất hiện khi bạn kích hoạt thiết bị thành công.
Lưu ý: Nếu tài khoản đã kích hoạt thì trang sẽ thông báo "Tài khoản của bạn đã thực hiện kích hoạt". Khi đó công dân chỉ cần vào và thực hiện chức năng "Đăng nhập".
Bước 5: Công dân chọn chức năng "Đăng nhập" sau đó điền thông tin số định danh cá nhân và mật khẩu đã thiết lập để sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nền tảng web. Mọi thắc mắc, công dân vui lòng liên hệ hoặc trực tiếp đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi mình sinh sống để được hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhất.
Kích hoạt: Sau khi thu nhận định danh hệ thống sẽ đồng bộ, xử lý nếu hoàn thành sẽ có tin nhắn về điện thoại cá nhân về việc phê duyệt (từ 1 – 3 ngày) của Cục Cảnh sát quản lý hành chính – Bộ Công an, Công dân có thể tự kích hoạt như hướng dẫn ở trên hoặc công dân mang theo căn cước số điện thoại đến Công an xã để hướng dẫn cài dặt và kích hoạt.