Sau chặng đường 17 năm nỗ lực, chuyển đổi số Nam Định đã phát triển bền vững, không chỉ về dịch vụ công mà đồng đều các lĩnh vực khác của chuyển đổi số. Nam Định trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đến cấp xã và hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp. Phóng viên Báo TNVN phỏng vấn ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định.
Có thể nói Nam Định đã có những bước đột phá trong chuyển đổi số. Là đơn vị nòng cốt chủ lực triển khai, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã làm được những gì, thưa ông?
Tôi nhớ chuyển đổi số là khái niệm sau này mới có. Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ gọi là Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Khi bắt tay vào triển khai Nghị định này, tôi triển khai từ nội bộ Sở TT&TT. Việc làm đầu tiên là tôi không nhận báo cáo bằng văn bản giấy mà nhận bằng bản “mềm”. Sau đó, tôi thấy việc chỉ trong nội bộ đơn vị mà không có sự liên kết đồng bộ với các đơn vị khác thì việc làm này chưa có nhiều ý nghĩa. Chính vì thế, Sở đã chỉ đạo triển khai đồng loạt đến các đơn vị trong tỉnh.
Sở đã nhận được sự hỗ trợ của VNPT Nam Định bằng sự đồng hành, nhiệt huyết và lan toả chương trình ý nghĩa của Chính phủ. Chúng tôi phối hợp với VNPT Nam Định “cầm tay chỉ việc” đến từng cán bộ xã, hướng dẫn việc lưu chuyển văn bản điện tử. Có thể nói, đây là điển hình cho sự phối hợp thành công, đáng tự hào, là thành quả tốt đẹp, đánh dấu bước khởi đầu cho công tác chuyển đổi số của Nam Định. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, Lãnh đạo tỉnh đã tin tưởng vào công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Sở TT&TT, nâng cao vị thế của ngành TT&TT từ thời điểm đó.
Một trong những kết quả đáng nhớ, tự hào của Nam Định là ngay từ năm 2017, chúng tôi hoàn thành lưu chuyển văn bản điện tử trong toàn hệ thống chính quyền và trong 2019 là trong toàn bộ hệ thống chính trị. Chúng tôi rất chú trọng công tác đào tạo, liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, liên tục đào tạo và đào tạo lại cho nhiều dịch vụ, đặc biệt là nhân lực làm chuyển đổi số tại các xã, phường.
Chúng tôi thực hiện thành công giải pháp 3 tin nhắn đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trước đây, một số cơ quan trong tỉnh mặc dù chưa xong thủ tục hoàn trả kết quả cho người dân nhưng vẫn tích vào mục kết quả trên hệ thống là đã xong (để báo cáo). Để quản lý việc này, chúng tôi đã đưa ra giải pháp thông qua việc gửi 03 tin nhắn SMS đến điện thoại di động cho người dân. Tin nhắn 1: Thông báo đã tiếp nhận đủ hồ sơ; Tin nhắn 2: Thông báo đã thanh toán phí, lệ phí; Tin nhắn 3: Thông báo đã có kết quả. Nhờ đó, trong 2 năm qua, Nam Định không còn cấp biên lai nhận trả kết quả bằng tay. Người dân không phải đến trụ sở làm việc “đòi” kết quả. Tất cả những nỗ lực ấy đã đơm hoa kết trái, đem lại quả ngọt như như ngày hôm nay.
Những “quả ngọt” đó đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển của tỉnh, thưa ông?
Nam Định là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 40% thủ tục hành chính trực tuyến mức 4 (nay là dịch vụ công trực tuyến toàn trình) vào tháng 7/2020 và là 1 trong 3 tỉnh cùng với Bình Phước, Tây Ninh hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, 1.286 trong tổng số 1.705 dịch vụ công của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Từ cuối năm 2022 - khi Chính phủ triển khai Bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia - cho đến nay, Nam Định luôn nằm trong top đầu về xếp hạng của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Vị trí xếp hạng của Nam Định trong quý 1/2023 là thứ 7 và tháng 5 là thứ 2.
Trung tâm hành chính của tỉnh và bộ phận một cửa các cấp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Cùng với sự phát triển của dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể sử dụng dịch vụ ngay tại nhà, vì thế số lượng người dân đến Trung tâm hành chính của tỉnh và bộ phận một cửa tại các cấp đang giảm dần. Trước đây, bình quân từ 400 - 500 người/ngày thì nay giảm xuống còn 150 - 200 người. Trong thời gian tới, các Trung tâm hành chính của tỉnh và bộ phận một cửa các cấp của tỉnh Nam Định sẽ ngày càng co gọn.
Ngoài việc “cầm tay chỉ việc” đến tận cấp cơ sở, ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm để đạt được kết quả nổi bật như trên?
Chuyển đổi số đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận, quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương vì Nam Định luôn quán triệt và xác định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Từ năm 2018, 2019 tại báo cáo hàng tháng của UBND tỉnh đã dành riêng mục số 8: Xây dựng chính quyền điện từ, cải cách hành chính, sau này là mục “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách hành chính” trong báo cáo hàng tháng và trong các báo cáo chuyên đề khác của UBND tỉnh.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh có khen ngợi, có phê bình các đơn vị về chuyển đổi số trên 3 nền tảng chính là: Dịch vụ công, quản lý văn bản, Hệ thống báo cáo kinh tế xã hội. Năm 2021 và năm 2022, tỉnh Nam Định có 2 huyện bị Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu kiểm điểm về công tác cải cách hành chính, mời Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT dự cùng buổi kiểm điểm của ban thường vụ các huyện.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã tạo thêm sức mạnh cho Sở TT&TT tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ mới và khó, được đánh giá là chưa có tiền lệ trong triển khai.
anh tin bai
Vân Hồng - Mạnh Khuyến thực hiện
Xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, hàm lượng tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 50% thành quả, từ nhiều năm trước đây, tôi thường trực tiếp tham gia đào tạo, nói chuyện về Cách mạng công nghệ 4.0, về chuyển đổi số. Đối tượng tham gia các lớp này thường là lãnh đạo sở, phòng, lãnh đạo các xã… Năm 2022, chúng tôi tổ chức 9 hội nghị và dự kiến năm 2023 tổ chức 12 hội nghị. Phấn đấu 100% các sở, ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể của Nam Định đều có hội nghị chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực mình.
Nam Định cũng tận dụng hết sức hiệu quả vai trò của các nền tảng số và mạng xã hội như: Nền tảng số Cốc Cốc, Zalo, Facebook, Youtube... để tuyên truyền về chuyển đổi số, trong đó năm 2022 thông qua các nền tảng này đã có gần 50.000 lượt người tham gia các hội nghị chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến livestream.
Đặc biệt, chúng tôi không nặng nề chỉ đạo bằng văn bản; hợp tác cùng phát triển, không làm khó doanh nghiệp; đoàn kết, phát huy lòng tự trọng của cán bộ, công chức. Từ năm 2015, tôi luôn khẳng định tại các hội nghị là Sở TT&TT sẵn sàng phục vụ 24/7 tất cả các đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức về mặt kỹ thuật. Và đến bây giờ vẫn là như vậy. Hợp tác với doanh nghiệp thì huy động được nhân lực của doanh nghiệp nên công việc sẽ nhanh hơn, tốt hơn. Chúng tôi xác định đây là cuộc chơi mà mọi người cùng thắng. Cán bộ nhà nước thực hiện được chức trách nhiệm vụ của mình. Doanh nghiệp thì phát triển được dịch vụ. Người dân được hưởng dịch vụ cao cấp hơn và thậm chí phải chi ít tiền hơn.
Xin cảm ơn ông!