image banner
image advertisement






image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tiến tới phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân
Lượt xem: 107

Chữ ký số cá nhân (CKSCN) được tạo ra trên công nghệ mã hóa công khai, đóng vai trò như chữ ký tay cá nhân, có tính pháp lý thay thế chữ ký tay và con dấu khi giao dịch trên môi trường điện tử. Đây là công cụ quan trọng giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ số phục vụ đời sống hàng ngày, đặc biệt là việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Từ nhiều năm trước, chữ ký số đã được triển khai nhưng chủ yếu mới chỉ cung cấp ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số còn rất ít, dẫn đến còn nhiều giao dịch cá nhân thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và làm chậm quá trình hình thành công dân số. Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng CKSCN, đến năm 2030 chỉ tiêu này là trên 70%. Muốn vậy, ngay trong năm 2023, tỉnh phải đạt tỷ lệ trên 20% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc CKSCN. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng đẩy mạnh phổ cập CKSCN cho người dân. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để chuẩn hóa quy trình giải quyết, cải cách thủ tục hành chính thành các bước đơn giản, dễ hiểu; thực hiện số hóa và ký số hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử cũng như các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp như: Chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử… Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số cũng như sử dụng CKSCN; trong đó tập trung giới thiệu các nội dung quản lý Nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính quyền điện tử là hạ tầng pháp lý cho các hoạt động giao dịch điện tử. Các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã còn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng CKSCN để khai thác các dịch vụ số do các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung ứng.

Sở Thông tin và Truyền thông huy động nguồn lực truyền thông của các doanh nghiệp viễn thông nhằm tạo ra sự đa dạng thông tin giúp người dân tiếp cận chữ ký số. Hiện tại các nhà mạng đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều cách thức để người dân biết đến sự thuận lợi, tiện ích của chữ ký số, qua đó nâng tối đa tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả. Bố trí nhân viên trực tại bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai các cấp để hỗ trợ hướng dẫn cấp chữ ký số cho người dân. VNPT Nam Định phối hợp với UBND thành phố Nam Định tổ chức hội nghị tập huấn triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và sử dụng chữ ký số từ xa miễn phí cho các lực lượng như: đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn, chuyên viên của UBND thành phố; lãnh đạo và công chức làm công tác tư pháp, công chức văn phòng - thống kê UBND các phường, xã… Đây là lực lượng nòng cốt sử dụng chữ ký số trong công việc chuyên môn và hướng dẫn người dân cùng sử dụng trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các phường Trần Quang Khải, Văn Miếu, Thống Nhất, Vị Xuyên cũng đã tích cực phối hợp cùng VNPT tổ chức tập huấn cài đặt chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số của phường; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng khu dân cư. VNPT Nam Định cũng đang phối hợp với Huyện Đoàn các huyện Vụ Bản, Trực Ninh tổ chức phổ cập CKSCN cho cán bộ Đoàn cơ sở và người dân. Hiện tại VNPT đang tổ chức ưu đãi miễn phí sử dụng 12 tháng cho người dân khi đăng ký dịch vụ VNPT SmartCA tại tất cả hệ thống điểm giao dịch, cửa hàng của VNPT VinaPhone trên địa bàn tỉnh.

Anh Trần Huy Thành, phụ trách giao dịch của Công ty Cổ phần May Trường Thành, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết, sau khi tạo lập hồ sơ trên máy, thay vì phải in ra giấy và ký tay các hợp đồng, giấy tờ thủ tục hành chính rồi gửi cho đối tác hoặc scan hồ sơ để nộp trực tuyến lên cổng dịch vụ công, anh sử dụng ký số nên vẫn ở ngay văn phòng và làm nhanh gọn qua mạng các thủ tục này. Việc sử dụng CKSCN thấy rõ những ưu điểm vượt trội cả về thời gian, không gian cũng như những tiện ích trong việc lưu trữ hồ sơ công việc, tăng mức độ bảo mật và an toàn đối với các văn bản, chứng từ trong quá trình giao dịch với khách hàng so với cách ký tay truyền thống. Còn với cán bộ công chức ở bộ phận “một cửa”, việc người dân, doanh nghiệp sử dụng CKSCN trong giải quyết thủ tục hành chính đã giảm bớt khá nhiều thời gian cho mỗi giao dịch. Hơn thế nữa, hồ sơ được tạo lập nhất quán, thuận tiện cho việc lưu trữ cũng như trích xuất khi cần đến.

Tiện ích cho cả người dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, CKSCN đang được coi là “chìa khóa” quan trọng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số và là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu để hình thành những công dân số. Cùng với định danh điện tử, việc đẩy mạnh cung ứng CKSCN sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và tiến tới một xã hội không giấy tờ./.

Cơ quan chủ quản: UBND XÃ MỸ PHÚC
Địa chỉ : UBND xã Mỹ Phúc - huyện Mỹ Lộc - tỉnh Nam Định
Email: xamyphuc.mlc@namdinh.gov.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang